Site icon Sống khỏe 365

Phân tích tác dụng của gạo lứt đỏ và gạo lứt trắng – Góc nhìn từ chuyên gia dinh dưỡng

Dưới góc nhìn của các chuyên gia dinh dưỡng, gạo lứt đỏ và gạo lứt trắng có thật sự tốt như nhiều người vẫn quan niệm? Bài viết sau sẽ phân tích cụ thể về tác dụng của hai dòng này một cách chính xác và khoa học nhất.

1. Gạo lứt là gì?

Gạo lứt hay gạo lức là loại siêu ngũ cốc phổ biến chứa lượng dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe, nhất là với người mắc bệnh lý đái tháo đường hay người thực hiện các chế độ ăn kiêng để kiểm soát cân nặng, hạn chế lượng đường dung nạp vào máu.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến- Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh thì phần lớp vỏ cám bên ngoài hạt gạo lứt là thành phần duy nhất mà gạo trắng không có, vỏ cám chiếm đến 7- 8% thành phần của một gạo lứt hoàn chỉnh, có nhiều chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, gạo lứt còn chứa acid béo đặc biệt Gamma- Oryzanol có đặc tính chống oxy hóa cao gấp khoảng 4 lần vitamin e, có ý nghĩa trong việc bảo vệ cho tim mạch và làm giảm lượng cholesterol máu.

Một vài công dụng của gạo lứt với sức khỏe có thể kể đến: hàm lượng dinh dưỡng và vi chất tốt cho sức khỏe trong thành phần gạo lứt như vitamin, khoáng chất, chất xơ,…; giảm lượng glucose huyết và cholesterol xấu, ngăn nguy cơ và hỗ trợ điều trị tiểu đường; chất xơ giúp tăng cường đốt cháy mỡ, no lâu và giảm cân hiệu quả.

Gạo lứt là gì?

2. Tác dụng của gạo lứt đỏ dưới góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng:

Gạo lứt đỏ là gì?

Gạo lứt đỏ là loại gạo lứt tẻ thông thường có màu đỏ nâu hoặc đỏ sẫm, màu sắc bắt mắt và khá dẻo khi nấu chín. Loại gạo này được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là dồi dào nguồn vi chất với cơ thể như chất xơ, lipid, các loại vitamin tan trong nước nhóm b, vitamin e,… 

Gạo lứt đỏ có hai loại là gạo lứt đỏ ruột trắng và gạo lứt đỏ ruột nâu hay còn gọi là gạo lứt huyết rồng. Hai loại này rất dễ nhầm lẫn với nhau do có màu sắc và hình dạng khá tương đồng nhau, tuy nhiên chúng khác nhau về công dụng. Do vậy, theo kinh nghiệm được chia sẻ, để nhận biết bạn có thể tách đôi hạt gạo ra để kiểm tra bên trong. Gạo lứt đỏ ruột trắng có phần lõi hạt gạo màu trắng, trong khi đó thì gạo lứt huyết rồng có phần lõi hạt lẫn vỏ đều có màu đỏ sẫm. 

Thành phần dinh dưỡng trong gạo lứt đỏ: Gạo lứt đỏ gồm nhiều dưỡng chất và chất khoáng tốt cho sức khỏe như tinh bột, chất xơ, chất béo, vitamin nhóm b, acid pantothenic, acid folic, canxi, sắt, magie, kẽm, natri,…

Gạo lứt đỏ là gì?

Công dụng của gạo lứt đỏ theo nhận định từ chuyên gia:

Gạo lứt đỏ có tác dụng gì với cơ thể? Liệu dòng gạo này có thần dược như nhiều người vẫn nghĩ? Dưới đây là công dụng thật sự của gạo lứt đỏ theo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng.

Gạo lứt đỏ được đánh giá chứa rất nhiều vi chất cần thiết cho người thực hiện chế độ ăn kiêng. Theo Thạc sĩ Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai- Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng gạo lứt đỏ chứa nhiều chất xơ có ý nghĩa trong ngăn ngừa bệnh về tim mạch, đặc biệt người béo phì khi ăn gạo lứt sẽ giúp giảm cân do ít làm tăng đường huyết và gạo lứt cứng, hạn chế cảm giác thèm ăn hơn gạo trắng. Bác sĩ Mai khuyên những người giảm cân khi áp dụng chế độ ăn với gạo lứt đỏ là nên ăn cùng với các thực phẩm từ đậu như đậu xanh, đậu đỏ hay phô mai, sữa để cân đối được khẩu phần ăn.

Gạo lứt và đậu đỏ được xem là sự kết hợp hoàn hảo để giảm cân và có được làn da khỏe đẹp. Bởi đậu đỏ chứa nhiều vitamin a, b, protid,… có tác dụng bổ máu và tăng cường lưu thông khí huyết, ngăn ngừa lão hóa da và giúp da căng bóng, mịn màng hơn.

Gạo lứt đỏ giúp giảm cân hiệu quả

Thống kê từ nhiều nghiên cứu cho kết quả lượng đường giải phóng ra từ gạo lứt đỏ chỉ khoảng bằng 23,7% so với gạo trắng thông thường, giúp giữ ổn định đường huyết ở mức tham chiếu. Ngoài ra hàm lượng chất xơ hòa tan trong thành phần gạo lứt giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường một cách hiệu quả bằng cách chống lại sự ngưng kết tiểu cầu, giảm lượng Cholesterol xấu LDL, tăng bài tiết chất béo,…

Chỉ số glucose trong gạo lứt chỉ khoảng 68, nằm ở mức trung bình, do đó người tiểu đường ăn gạo lứt hoàn toàn không làm tăng thêm lượng đường trong máu. Đây được xem là phương pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao.

Người tiểu đường có nên ăn gạo lứt đỏ?

Nhờ thành phần dinh dưỡng dồi dào như acid phytic, acid phenolic hay saponin, gạo lứt đỏ làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và hạn chế gây ra các biến chứng từ bệnh lý này, nhất là về tim mạch. Vì mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư, nên nhiều người lầm tưởng gạo lứt có công dụng điều trị bệnh này. Điều này hoàn toàn không đúng mà nó chỉ có vai trò hỗ trợ và cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho bệnh nhân mắc ung thư hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh.

PGS.TS Trần Văn Thuấn- Nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định quan niệm chữa khỏi ung thư hoàn toàn nhờ gạo lứt là hoàn toàn sai và không có cơ sở khoa học. Hàm lượng anthocyanin trong gạo lứt có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ngoài ra chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh gạo lứt là phương pháp điều trị ung thư. Vì vậy bạn không nên quá lạm dùng loại thực phẩm này, bởi trong gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không đủ cho sự phát triển toàn diện của cơ thể.

Các loại gạo lứt đỏ phổ biến và giá bán:

Gạo lứt đỏ điện biên

Đây là loại gạo có nguồn gốc xuất phát từ cánh đồng lúa màu mỡ Mường Thanh ở Điện Biên, được xem là đặc sản miền núi Tây Bắc với đặc tính dẻo thơm như gạo nếp, hạt tròn và ngắn trông rất bắt mắt.

Gạo lứt đỏ điện biên cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao như gạo lứt thông thường do vẫn giữ nguyên được lớp cám gạo bên ngoài, ngoài ra chúng được chứng minh chứa tới hơn 30% chất đạm. Giá gạo lứt đỏ điện biên chỉ khoảng từ 20.000đ- 50.000đ/kg.

Gạo lứt đỏ như châu

Đối với những người đang thực hiện hoặc quan tâm đến chế độ ăn thực dưỡng Ohsawa thì gạo lứt đỏ như châu có lẽ không còn xa lạ gì bởi lượng dinh dưỡng cần thiết trong dòng gạo lứt này. Gạo lứt đỏ không chỉ tốt và mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân đái tháo đường hay người ăn kiêng mà hàm lượng GABA trong gạo còn được chứng minh giúp làn da phái đẹp trở nên mịn màng, giảm nếp nhăn và ngăn ngừa lão hóa da hiệu quả. Giá bán 1kg gạo như châu trong khoảng từ 30.000đ- 40.000đ phù hợp với điều kiện kinh tế của phần lớn đối tượng, vì vậy đây xứng đáng là dòng gạo bạn nên tham khảo nếu muốn chăm sóc sức khỏe của mình và người thân. 

Gạo lứt đỏ Như Châu

Gạo lứt đỏ xuân hồng

Ngoài hai loại gạo kể trên, bạn  có thể tham khảo dòng gạo lứt đỏ thuộc công ty Xuân Hồng, giá thành trong khoảng từ 50.000đ- 70.000đ/kg, được dùng nhiều để làm bánh, nấu chè, xôi,… Sản phẩm nên được bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát và tránh tác động trực tiếp từ môi trường.

Một số món chế biến từ gạo lứt đỏ:

Gạo lứt đỏ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, có nhiều cách nấu gạo lứt đỏ được chị em chia sẻ, dưới đây là một vài món chế biến từ dòng gạo này mà bạn có thể áp dụng cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. 

Hủ tiếu gạo lứt đỏ

Đây là món ăn khá phổ biến ở miền Nam, được nhiều người ưa chuộng, cách làm cực kỳ đơn giản như sau:

Bước 1: Ướp thịt đã băm sẵn với tỏi băm, hành đồng thời ướp tôm bóc vỏ với hạt tiêu. Sau đó rang thịt săn lại và trộn đều với tôm.

Bước 2: Làm nước sốt: Trộn đều hỗn hợp nước tương, dầu hào, đường,.. thêm một ít gia vị như tỏi và hành phi.

Bước 3: Sợi hủ tiếu gạo lứt rửa sạch, ngâm qua nước sôi tầm 5 phút rồi bỏ vào nước lạnh để hủ tiếu dai hơn, vớt ra để ráo nước, thêm vài giọt dầu ăn để các sợi không dính vào nhau.

Bước 4: Ninh xương nhừ, có thể thêm chân giò bó luộc vào nồi xương.

Bước 5: Cho phần thịt, tôm đã rang, sợi hủ tiếu, chân giò thái lát và ăn cùng nước ninh xương, thêm nước sốt và lạc rang theo sở thích và vị của mỗi người.

Hủ tiếu gạo lứt đỏ

Với những công dụng tuyệt vời đã được nhiều chuyên gia dinh dưỡng thừa nhận, gạo lứt đỏ xứng đáng là món ăn bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe mà bạn không nên bỏ qua. Vậy gạo lứt đỏ mua ở đâu? Thực tế hiện nay bạn có thể tìm mua dòng gạo lứt này ở rất nhiều nơi trên thị trường, đặc biệt là các siêu thị lớn, cửa hàng thực dưỡng hay cửa hàng bán gạo. Quan trọng nhất là bạn nên tham khảo để tìm mua ở những địa chỉ uy tín và chất lượng, được sự đánh giá cao của người tiêu dùng. 

Trà gạo lứt đậu đỏ

XEM THÊM: [Tổng hợp] Dinh dưỡng của gạo lứt, giá bán các loại và địa chỉ mua uy tín tại HN, HCM 

3. Gạo lứt trắng là gì? Chuyên gia nhận định về tác dụng của gạo lứt trắng:

Gạo lứt trắng là gì? 

Gạo lứt trắng thực chất là loại gạo trắng vẫn giữ lại lớp vỏ cám bên ngoài và chỉ bỏ đi phần trấu. Vì vậy gạo lứt trắng thường có màu vàng nhạt hoặc hơi ngả vàng của lớp vỏ trấu. 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù gạo lứt trắng và gạo trắng chỉ khác nhau về cấu tạo lớp màng cám bao quanh hạt gạo, nhưng gạo lứt trắng lại mang lại cho cơ thể rất nhiều lợi ích nhờ hàm lượng dinh dưỡng và vi chất quan trọng được giữ lại nhờ lớp cám.

Gạo lứt trắng là gì?

Công dụng của gạo lứt trắng dưới góc nhìn chuyên gia: 

Nhiều người cho rằng, gạo lứt chứa lượng calo thấp, không chứa chất béo, ngoài ra có nhiều chất xơ và vi chất giúp đốt cháy mỡ thừa hiệu quả, vì vậy ăn gạo lứt trắng càng nhiều càng giảm cân. Điều này là hoàn toàn không đúng. 

Theo Bác sĩ Dương Thị Kim Loan- Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Thống Nhất, gạo lứt trắng và gạo trắng đều có cùng mức năng lượng dung nạp vào cơ thể, tuy nhiên gạo lứt có nhiều acid amin và khoáng chất tốt cho cơ thể hơn. Mặc dù vậy gạo lứt trắng do vẫn còn lớp vỏ cám nên có đặc tính cứng và khó tiêu hóa hơn, làm mất thời gian co bóp của với dạ dày. Do vậy ăn gạo lứt dài ngày giảm cân có thể để lại hậu quả tổn thương dạ dày, đặc biệt là những người có hệ tiêu hóa yếu. 

Thực tế gạo lứt trắng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gạo trắng, tuy nhiên không chứa chất béo hay đạm đủ để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến- Bác sĩ Khoa Ngoại Bệnh Viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh khi phân tích về thực dưỡng đối với bệnh nhân ung thư cho rằng lượng cám nhiều dưỡng chất ở gạo lứt trắng chỉ chiếm khoảng 7- 8% hạt gạo, không đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Ngoài ra, về mặt khoa học thì khả năng cơ thể hấp thu protein ở gạo lứt trắng và gạo trắng tương đồng như nhau, vì vậy nếu bệnh nhân ung thư muốn dùng gạo lứt để bổ sung dưỡng chất và hỗ trợ điều trị bệnh lý thì nên uống trà gạo lứt hoặc dầu gạo để dễ tiêu hóa hơn và hạn chế ảnh hưởng đến dạ dày.

Ngoài cân nặng có lẽ làn da là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chị em phụ nữ. Nhờ thành phần Vitamin e, CoQ10, vitamin nhóm b hay biotin trong gạo lứt trắng, giúp làn da chị em tươi trẻ, sáng mịn và đẩy lùi các tác nhân gây mụn cho da. Ăn gạo lứt thường xuyên và đều đặn còn đẩy lùi nguy cơ lão hóa da hiệu quả.

Chỉ số đường huyết đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường hay tim mạch. Hàm lượng vitamin, vi chất và chất khoáng trong gạo lứt được chứng minh là giúp thúc đẩy sự chuyển hóa glucose và hạ đường máu trong cơ thể từ đó có thể kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu. Điều này có ý nghĩa cực lớn đối với bệnh nhân tiểu đường type 2. 

Ngoài ra lượng chất xơ trong gạo lứt chống ngưng kết tiểu cầu, giảm khả năng hấp thụ chất béo và hạ lượng Cholesterol xấu trong cơ thể, từ đó ngăn nguy cơ gặp các biến chứng về tim mạch.

Các chuyên gia còn cho rằng lượng chất xơ không tan trong gạo lứt trắng giảm nguy cơ mắc các bệnh về sỏi mật và tốt cho hệ thần kinh trung ương, nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón.

Công dụng của gạo lứt trắng giúp kiểm soát cân nặng

4. Gạo lứt đỏ và gạo lứt trắng loại nào tốt hơn? 

Có nhiều loại gạo lứt trên thị trường như gạo lứt trắng, gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, gạo lứt tẻ hay gạo lứt nếp. Trên đây, chúng ta đã cùng phân tích dưới góc nhìn của chuyên gia về công dụng của hai loại gạo lứt trắng và gạo lứt đỏ. Vậy gạo lứt trắng và gạo lứt đỏ loại nào tốt hơn?

Tóm lại: Cả hai dòng gạo lứt đều tốt cho sức khỏe, đối với người bình thường muốn bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể và thúc đẩy đốt cháy mỡ giảm cân, thì bạn có thể tham khảo gạo lứt trắng nhờ ưu điểm dễ ăn và giá thành rẻ. Đối với bệnh lý tiểu đường, ung thư nên chọn gạo lứt đỏ để kiểm soát glucose huyết, hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.

Gạo lứt trắng và gạo lứt đỏ loại nào tốt hơn?

Gạo lứt trắng và gạo lứt đỏ đều mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Qua bài viết trên, mong rằng bạn sẽ hiểu rõ hơn về công dụng của hai loại gạo này dưới đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng để có thể xây dựng cho mình được chế độ ăn phù hợp và tốt nhất cho cơ thể.

Đánh giá
Exit mobile version